Ý nghĩa của việc nghiên cứu môn kinh tế chính trị Mác – Lênin? Chỉ ra sự liên hệ giữa kinh tế chính trị Mác – Lênin trong hệ thống các khoa học kinh tế?
1. Ý nghĩa của việc nghiên cứu môn kinh tế chính trị Mác – Lênin.
Kinh tế chính trị có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội. Học tập môn kinh tế chính trị giúp cho người học hiểu được bản chất của các hiện tượng và quá trình kinh tế, nắm được các quy luật kinh tế chi phối sự vận động và phát triển kinh tế; phát triển lý luận kinh tế và vận dụng lý luận đó vào thực tế, hành động theo quy luật, tránh bệnh chủ quan, giáo điều, duy ý chí.
Kinh tế chính trị cung cấp các luận cứ khoa học làm cơ sở cho sự hình thành đường lối, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và các chính sách, biện pháp kinh tế cụ thể phù hợp với yêu cầu của các quy luật khách quan và điều kiện cụ thể của đất nước ở từng thời kỳ nhất định.
Học tập kinh tế chính trị, nắm được các phạm trù và quy luật kinh tế, là cơ sở cho người học hình thành tư duy kinh tế, không những cần thiết cho các nhà quản lý vĩ mô mà còn rất cần cho quản lý sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp của mọi tầng lớp dân cư, ở tất cả các thành phần kinh tế.
Nắm vững kiến thức kinh tế chính trị, người học có khả năng hiểu được một cách sâu sắc các đường lối, chiến lược phát triển kinh tế của đất nước và các chính sách kinh tế cụ thể của Đảng và Nhà nước ta, tạo niềm tin có cơ sở khoa học vào đường lối, chiến lược, chính sách đó.
Học tập kinh tế chính trị, hiểu được sự thay đổi của các phương thức sản xuất, các hình thái kinh tế – xã hội là tất yếu khách quan, là quy luật của lịch sử, giúp người học có niềm tin sâu sắc vào con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta đã lựa chọn là phù hợp với quy luật khách quan, đi tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trên đất nước.
2. Chỉ ra sự liên hệ giữa kinh tế chính trị Mác – Lênin trong hệ thống các khoa học kinh tế?
Kinh tế chính trị và các khoa học kinh tế khác có quan hệ khá chặt chẽ với nhau. Ngoài kinh tế chính trị ra, rất nhiều khoa học kinh tế khác đều nghiên cứu các quy luật về sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng của cải xã hội, nhưng lại có sự khác nhau về mục tiêu, phạm vi nghiên cứu và phương pháp tiếp cận.
Kinh tế chính trị nghiên cứu toàn diện và tổng hợp quan hệ sản xuất trong sự tác động qua lại với lực lượng sản xuất và kiến trúc thượng tầng, nghiên cứu quá trình sản xuất của cải vật chất nhưng không phải sản xuất của những đơn vị, cá nhân riêng biệt mà là nền sản xuất có tính chất xã hội, có tính chất lịch sử.
Kinh tế chính trị đi sâu vào các mối liên hệ bản chất bên trong của các hiện tượng và quá trình kinh tế, vạch ra các quy luật chung của sự vận động của một phương thức sản xuất nhất định.
Còn các môn khoa học kinh tế khác chỉ nghiên cứu trong phạm vi của từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế cụ thể, nó dựa trên những nguyên lý, quy luật mà kinh tế chính trị nêu ra để phân tích những quy luật vận động riêng của từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể.
Kinh tế chính trị có ưu thế về phát hiện các nguyên lý cơ bản, các quy luật kinh tế chung, còn các môn kinh tế khác lại có ưu thế về phân tích các hiện tượng kinh tế cụ thể của từng ngành, những hiện tượng kinh tế diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.
Kinh tế chính trị là cơ sở cho các khoa học kinh tế khác nhau còn các khoa học kinh tế cụ thể bổ sung, cụ thể hóa, làm giàu thêm những nguyên lý và quy luật chung của kinh tế chính trị.
3. Đến lượt bạn
Hãy để lại comment dưới bài viết nha.
Xin chào và hẹn gặp lại bạn trong lần chia sẻ sắp tới.