Cầu là gì? What’s Demanded ?
Cầu (D) là số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ mà người mua muốn mua và có khả năng mua tại các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định. Các yếu tố khác không đổi. Vậy, nếu thiếu một trong hai yếu tố muốn mua (có ý định mua) và có khả năng mua (chấp nhận mức giá và có khả năng chi trả) thì sẽ không tồn tại cầu.
Lượng cầu là gì? What’s Quantity demanded?
Lượng cầu (QD): là số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ cụ thể mà người mua muốn mua và sẵn sàng mua tại mức giá đã cho trong một khoảng thời gian nhất định. Như vậy, khi mức giá thay đổi hoặc không gian, thời gian thay đổi, lượng cầu có thể sẽ thay đổi theo.
Quy luật cầu
Khi giả định các yếu tố khác không đổi thì: Số lượng hàng hóa được cầu (QD) trong khoảng thời gian đã cho tăng lên khi giá (P) của hàng hóa đó giảm xuống và ngược lại.
- Giá cả tăng thì lượng cầu giảm: P ↑ → QD ↓
- Giá cả giảm thì lượng cầu tăng: P ↓→ QD ↑
Chúng ta có thể hiểu đơn giản là: Cầu là yếu tố khách hàng, giá giảm ( P ↓) thì nhiều người mua (Cầu tăng QD ↑ )
Điều này được giải thích:
➢ Do hiệu ứng thay thế: Hàng hoá thay thế là hàng hoá mà người mua có thể dùng lẫn cho nhau, không dùng cái này thì có thể dùng cái khác thay thế. Thí dụ cá và thịt là 2 hàng hoá thay thế có thể ăn thịt khi không có cá và ngược lại. Khi giá cả một hàng hoá nào đó tăng lên thì nó sẽ trở nên tương đối đắt hơn so với các hàng hoá có thể thay thế cho hàng hoá đó và người ta sẽ có xu hướng chuyển sang tiêu dùng các hàng hoá thay thế khác làm cho lượng cầu của nó giảm xuống.
➢ Do hiệu ứng thu nhập: Mặt khác giá cả tăng làm thu nhập thực tế của người tiêu dùng giảm đi và người ta phải mua hàng hoá với số lượng giảm đi. Khi giảm giá mặt hàng thì người mua sẽ có cảm giác thấy giầu lên nếu mua thêm các hàng hoá được giảm giá.
Có một số sản phẩm không đúng, Ví dụ như khi giá vàng tăng cao thì người ta đổ xô đi mua vàng, hoặc khi bất động sản tăng thì người ta đổ xô đi đầu tư bất động sản bởi vì nó ảnh hưởng ảnh của yếu tố kỳ vọng nên QUY LUẬT CẦU KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG ĐÚNG VỚI MỌI HÀNG HÓA.. Do ảnh hưởng của yếu tố kỳ vọng nên dẫn đến tình trạng “bong bóng bất động sản” nên người ta nghĩ bây giờ giá cao rồi thì sau này giá của nó sẽ cao hơn.
ĐỌC THÊM
Hầu hết các loại hàng hóa (dịch vụ) trên thị trường đều tuân theo luật cầu, chỉ có một số rất ít hàng hóa không tuân theo luật cầu, ngược với luật cầu, được gọi là hàng hóa Giffen. Hàng hóa Giffen: Do nhà thống kê và kinh tế học Sir Rober Giffen (1837–1910) người Anh đưa ra. Hàng hóa gọi là Giffen khi mà tác động thu nhập đủ lớn để làm lượng cầu giảm khi giá giảm. Điều này có nghĩa là đường cầu dốc lên (như đường cung). Trường hợp này hiếm khi xảy ra và ít được quan tâm trong thực tế. Ví dụ: Lũ lụt và bị cô lập dẫn đến giá lương thực, thực phẩm tăng nhưng cầu về những mặt hàng này không hề giảm mà lại tăng.
Hàng hóa Giffen
Các cách mô tả cầu
Biểu cầu là gì?
Biểu cầu: là bảng chỉ số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ mà người tiêu dùng sẵn sàng và có khả năng mua ở các mức giá khác nhau một khoảng thời gian nhất định.
Giá (P) 10000đ/kg | Lượng cầu(QA) Kg |
---|---|
0 | 10 |
1 | 6 |
2 | 5 |
3 | 4 |
4 | 2 |
5 | 0 |
Đường cầu là gì?
Đường cầu: là đường biểu diễn các mối quan hệ giữa lượng cầu và giá. Các điểm nằm trên đường cầu sẽ cho biết lượng cầu ở các mức giá nhất định.
Hàm cầu là gì?
Hàm cầu: là một biểu thức đại số của biểu cầu được biểu diễn bằng các số hạng tổng quát hoặc với các giá trị con số cụ thể của các tham số khác nhau khi phản ánh mối quan hệ giữa giá cả, thu nhập, v.v… với lượng cầu.
- Hàm cầu tổng quát: QD = f (P, các nhân tố ảnh hưởng X)
Giả định các yếu tố khác không đổi chỉ có mối quan hệ giữa giá cả và lượng cầu, khi đó chúng ta có thể xây dựng hàm cầu tuyến tính có dạng đơn giản: Qx = f(Px).
- Dạng hàm cầu tuyến tính cơ bản nhất là: QD = a – bP hoặc
- Hàm cầu ngược: P = (a/b) – (1/b)QD
Trong đó: a và b là các tham số, a > 0 và b ≥ 0.
Tham số chặn a cho biết giá trị của QD khi biến P có giá trị bằng 0. Các tham số b được gọi là hệ số góc: Chúng đo ảnh hưởng đối với lượng cầu khi một trong biến P thay đổi, khi các yếu tố khác giữ nguyên. Ví dụ, hệ số góc b đo sự thay đổi trong lượng cầu khi giá thay đổi một đơn vị, có nghĩa là b = Δ QD /ΔP. Như đã nhấn mạnh ở trên, QD và P tỉ lệ nghịch, b có giá trị âm vì Δ QD và ΔP trái dấu.
Cầu thị trường
Cầu thị trường: Bằng tổng các mức cầu cá nhân (từ cầu cá nhân ta có thể suy ra được cầu thị trường).
Đường cầu thị trường được xác định bằng cách cộng theo chiều ngang (trục hoành) các lượng cầu cá nhân tương ứng tại mỗi mức giá.
Các nhân tố ảnh hưởng đến cầu
Đường cầu mô tả mô tả quan hệ giữa giá cả và lượng cầu khi các yếu tố khác giữ nguyên. Ngoài giá cả của hàng hoá cầu phụ thuộc vào các yếu tố:
Thu nhập của người tiêu dùng
Thu nhập là một yếu tố quan trọng xác định cầu hàng hoá. Thu nhập ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mua của người tiêu dùng. Khi thu nhập tăng thì cầu đối với đa số hàng hoá tăng lên và ngược lại. Thường là người tiêu dùng sẽ mua nhiều thứ hơn khi tăng thêm thu nhập. Những hàng hoá có cầu tăng lên khi thu nhập tăng được gọi là các hàng hoá thông thường. Còn các hàng hoá mà cầu giảm đi khi thu nhập tăng được gọi là hàng thứ cấp.
Ví dụ: Khi thu nhập tăng, cầu về rau sạch tăng và cầu về rau không đảm bảo vệ sinh giảm. Sự tăng lên trong thu nhập của người tiêu dùng có ảnh hưởng trực tiếp đến cầu và có ảnh hưởng gián tiếp đến sự biến động giá cả hàng hoá, dịch vụ trên thị trường.
Giá cả của các loại hàng hoá có liên quan
Hàng hoá liên quan là những hàng hoá có các đặc tính về giá trị sử dụng hoặc là thay thế hoặc là bổ sung cho một hàng hoá nào đó trên thị trường.
Hàng hoá thay thế là hàng hoá có thể sử dụng thay cho hàng hoá khác.
Ví dụ: cà phê và chè. Khi giá cả của một hàng hoá thay đổi thì không những cầu về hàng hoá này thay đổi mà cầu về hàng hoá kia cũng thay đổi. Trong thực tế, khi giá cà phê tăng thì cầu đối với chè tăng đến một mức nào đó lại đẩy giá chè tăng và người tiêu dùng lại quay trở là tiêu dùng cà phê vì lúc này giá cà phê hạ xuống để kích thích tiêu dùng. Cuối cùng cầu về hàng hoá thay thế cho nhau biến động phụ thuộc vào giá của tất cả các hàng hoá có khả năng thay thế cho nhau được trao đổi trên thị trường
Hàng hoá bổ sung là những hàng hoá phải sử dụng đồng thời với các hàng hoá khác.
- Ví dụ máy ảnh và phim ảnh, xăng xe và các phương tiện chạy bằng xăng như ô tô, xe máy. Đối với những hàng hoá này khí giá của một hàng hoá tăng thì cầu về hàng hoá kia sẽ giảm vì khi giá của hàng hoá này tăng thì cầu đối với nó giảm dẫn đến cầu đối với hàng hoá kia giảm.
- Ví dụ, khi xăng xe tăng giá thì cầu đối với xăng xe giảm dẫn đến cầu đối với xe máy giảm vì không thể đi xe máy mà lại không dùng xăng.
Thị hiếu tiêu dùng
Thị hiếu là sở thích hay sự ưu tiên của người tiêu dùng đối với hàng hoá hoặc dịch vụ. Xét trên một phương diện nào đó thì vấn đề này được quyết định bởi sự thuận tiên, phong tục và quan điểm xã hội. Ví dụ: các nhà sư không ăn thịt động vật dẫn đến giảm cầu về thịt động vật. Không thể quan sát trực tiếp thị hiếu được. Thị hiếu ít thay đổi và thay đổi rất chậm ảnh hưởng lớn đến cầu của người tiêu dùng đối với hàng hoá do vậy nó ảnh hưởng đến vòng đời của sản phẩm hàng hoá.
Dân số
Nếu các yếu tố khác (thị hiếu, thu nhập,…) là như nhau thì dân số tăng hay quy mô thị trường lớn dẫn đến nhu cầu về hàng hoá tăng.
Kỳ vọng của người tiêu dùng
Nếu người tiêu dùng dự đoán giá cả của hàng hoá, dịch vụ nào đó trong tương lai sẽ giảm thì cầu hiện tại đối với hàng hoá của họ sẽ giảm xuống và ngược lại. Họ quan niệm rằng hy sinh tiêu dùng hiện tại một lượng nhỏ sẽ được bù đắp bởi một lượng tiêu dùng lớn hơn trong tương lai.
Sự dịch chuyển, di chuyển đường cầu
Sự di chuyển (trượt dọc) trên đường cầu là: sự thay đổi của lượng cầu do giá của chính hàng hóa đang xét thay đổi giả định các yếu tố khác không đổi.
Ví dụ như bên dưới sự thay đổi vị trí từ điểm A đến điểm B gọi là sự di chuyển trên đường cầu.
Sự dịch chuyển đường cầu: Do các yếu tố khác ngoài giá của bản thân hàng hóa đang xét thay đổi ⇒ cầu sẽ thay đổi ⇒ đường cầu sẽ dịch chuyển sang vị trí mới (ví dụ như thay đổi vị trí đường cầu từ D0 sang D1 hoặc sang D2 như trong hình bên dưới).