Khái niệm Luật đất đai
Luật đất đai là tổng hợp các QPPL do nhà nước ban hành nhằm thiết lập quan hệ đất đai trên cơ sở chế độ sở hữu của toàn dân về đất đai và sự bảo hộ đầy đủ của nhà nước đối với các quyền của người sử dụng đất tạo thành một ngành luật quan trọng trong hệ thống pháp luật của nhà nước ta.
Phạm vi điều chỉnh
Phạm vi điều chỉnh của luật đất đai quy định tại điều 1 Luật đất đai 2013
Đối tượng điều chỉnh của Luật đất đai
Theo quan niệm chung, mỗi ngành luật điều chỉnh một lĩnh vực quan hệ xã hội, Luật đất đai cũng vậy, điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực đất đai. Đó là các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đất đai mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu không hề thay đổi, nhưng tạo điều kiện tối đa để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thụ hưởng các quyền của người sử dụng đất và gánh vác trách nhiệm pháp lí của họ.
Luật đất đai có mối quan hệ qua lại với một số ngành luật như luật Hành chính, Luật Dân sự,… Căn cứ vào chủ thể tham gia vào quan hệ đất đai và loại đất được quản lí và sử dụng, đối tượng điều chỉnh của ngành luật đất đai được xác định thành các nhóm sau đây:
+ Nhóm 1: Các quan hệ đất đai phát sinh trong quá trình quản lí nhà nước đối với đất đai
Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu quản lí về đất đai . Nhà nước xây dựng bộ máy cơ quan có thẩm quyền hành chính và chuyên ngành nhằm thực thi các nội dung cụ thể của quản lí Nhà nước về đất đai. Trong luật đất đai 2013, nhà nước đã được cụ thể hóa với vai trò thực hiện quyền định đoạt của người đại diện chủ sở hữu và phân công phân cấp giữa từng hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước.
+ Nhóm 2: các quan hệ đất đai phát sinh trong quá trình sử dụng đất của tổ chức trong nước được nhà nước giao đất, cho thuê đất
Các tổ chức trong nước là một trong các chủ thể sử dụng đất được nhà nước cho phép sử dụng đất dưới hình thức pháp lí chủ yếu cho thuê đất, giao đất. Các tổ chức này được nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp, nhưng trong quá trình khai thác sử dụng phải trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
+ Nhóm 3: Các quan hệ đất đai phát sinh trong quá trình sử dụng đất của tổ chức, các nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam
Hình thức pháp lí mà tổ chức, các nhân nước ngoài được sử dụng đất tại Việt Nam chủ yếu là thuê đất. Tuy nhiên từ luật đất đai 2013 có thể lựa chọn hình thức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất khi thực hiện các dự án đầu tư tại Việt nam. Việc giao đất, cho thuê đất nhằm mục đích khác nhau, thời hạn khác nhau, nhu cầu cũng không giống nhau nên nhà nước cần quy định một cách chặt chẽ về trình tự, thủ tục cho thuê đất, các nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân nước ngoài sử dụng đất tại Việt Nam.
+ Nhóm 4: Các quan hệ đất đai phát sinh trong quá trình sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện các giao dịch dân sự về đất đai.
Thực tế chỉ ra rằng, nhu cầu sử dụng đất không chỉ nhằm mục đích khai thác tối đa các lợi ích vốn có của đất mà trong khai thác và sử dụng, việc xác lập các quyền về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh và góp vốn liên doanh là mong đợi tất yếu của hàng triệu hộ gia đình và các nhân sử dụng đất.
Tóm lại: Về đối tượng điều chỉnh ta cũng có thể phân chia theo các khác
+ Theo chiều dọc: Luật đất đai có đối tượng điều chỉnh giữa cơ quan Nhà nước với Người sử dụng đất
+ Theo chiều ngang: Luật đất đai có đối tượng điều chỉnh giữa người sử dụng đất với người sử dụng đất