Trình bày quan điểm của Hồ Chí Minh về những nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng?
Tóm tắt Quan điểm Hồ Chí Minh về những nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng
– Nói đi đôi với làm, nêu gương đạo đức
– Xây đi đôi với chống
– Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời
Phân tích Quan điểm Hồ Chí Minh về những nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng
Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức
Nói đi đôi với làm
Là nét đẹp trong đạo đức truyền thống của dân tộc được Hồ Chí Minh nâng lên một tầm cao mới. Nguyên tắc cơ bản này là sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, nó đã trở thành phương pháp luận trong cuộc sống và là nền tảng triết lý sống hết sức bình dị mà vô cùng sâu sắc của Người. Hồ Chí Minh là tấm gương trong sáng tuyệt vời về lời nói đi đôi với việc làm. Nói đi đôi với làm đối lập hoàn toàn với thói đạo đức giả, nói một đằng làm một nẻo, nói nhiều làm ít, thậm chí nói mà không làm.
Nêu gương về đạo đức
Là một nét đẹp của truyền thống văn hóa phương Đông. Hồ Chí Minh đã viết: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Với ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh đã đào tạo các thế hệ cán bộ cách mạng Việt Nam không chỉ bằng lý luận cách mạng tiền phong mà còn bằng chính tấm gương đạo đức cao cả của mình.
Theo Hồ Chí Minh phải chú ý phát hiện, xây dựng những điển hình “người tốt, việc tốt” rất gần gũi trong đời thường, trong các lĩnh vực lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập, nghiên cứu…
Xây đi đôi với chống
Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên tắc xây đi đôi với chống là đòi hỏi của nền đạo đức mới, thể hiện tính nhân đạo chiến đấu vì mục tiêu của sự nghiệp cách mạng;
- Xây tức là xây dựng các giá trị, các chuẩn mực đạo đức mới;
- Chống là chống các biểu hiện, các hành vi vô đạo đức, suy thoái đạo đức.
Xây dựng đạo đức mới, đạo đức cách mạng phải được tiến hành bằng việc giáo dục những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức mới. Việc giáo dục đạo đức mới phải được tiến hành phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, phù hợp với từng lứa tuổi, ngành nghề, giai cấp, tầng lớp và trong từng môi trường khác nhau; phải khơi dậy được ý thức đạo đức lành mạnh ở mỗi người.
Tu dưỡng đạo đức suốt đời
Đạo đức không phải là cái gì đó có tính “nhất thành bất biến”, mà nó được hình thành, phát triển do môi trường giáo dục, do sự rèn luyện, phấn đấu và tu dưỡng bản thân của mỗi người. Từ thực tiễn, Người tổng kết sâu sắc: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Do vậy, Hồ Chí Minh đòi hỏi mọi người phải thường xuyên được giáo dục và tự giáo dục về mặt đạo đức.