Tính Thiên tích là gì?
Thiên tích là hiện tượng không đồng nhất về thành phần hoá học trong toàn bộ vật đúc.
Ảnh hưởng của tính Thiên tích đến chất lượng vật đúc như thế nào?
Sự thiên tích làm giảm cơ tính của vật đúc, giảm khả năng chịu ăn mòn … gây nên hư hỏng vật đúc khi làm việc.
Xem thêm: Thiên tích có hai dạng sau
Thiên tích vùng
Là sự không đồng nhất về thành phần hoá học giữa các vùng của vật đúc.
Các nguyên nhân chính gây ra thiên tích vùng có thể là sự khác biệt lớn về tỷ trọng của các nguyên tố thành phần trong hợp kim. Các nguyên tố nặng có xu hướng tập trung ở phần dưới của vật đúc, các nguyên tố nhẹ và tạp chất phi kim, bọt khí có xu hướng tập trung ở phần trên của vật đúc. Khi đúc ly tâm sự khác biệt về tỷ trọng của các nguyên tố thành phần của hợp kim dẫn đến sự khác biệt về lực ly tâm tác dụng lên chúng vì thế các nguyên tố nặng có xu hướng phân bố sẽt thành khuôn, các nguyên tố nhẹ phân bố gần tâm vật đúc. Khi thời gian kết tinh càng kéo dài thì mức độ thiên tích vùng càng lớn.
Vì vậy, để hạn chế thiên tích vùng phải rút ngắn thời gian kết tinh vật đúc bằng cách làm nguội nhanh kết hợp với khuấy đảo liên tục kim loại trong thời gian kết tinh.
Thiên tích hạt (thiên tích nhánh cây)
Là sự không đồng nhất về thành phần hoá học trong nội bộ một hạt kim loại.
Nguyên nhân chính sinh ra khuyết tật thiên tích hạt là do nhiệt độ kết tinh của các nguyên tố trong hợp kim khác nhau. Ban đầu nguyên tố có nhiệt độ kết tinh cao sẽ kết tinh trước tạo nên lõi của hạt kim loại, nguyên tố có nhiệt độ kết tinh thấp sẽ kết tinh sau tạo nên lớp vỏ của hạt kim loại. Với những hợp kim có khoảng kết tinh rộng thì bản thân hạt kim loại cũng có thể bị ngậm xỉ và bọt khí gây nên thiên tích hạt.
Để giảm thiên tích hạt cần làm nguội chậm vật đúc sau khi đã kết tinh hoàn toàn đến nhiệt độ thường để dưới tác dụng của nhiệt độ cao các nguyên tử của các nguyên tố thành phần trong hợp kim có đủ thời gian khuyếch tán tương hỗ dẫn đến đồng đều vì thành phần hoá học trong nội bộ hạt.