Ở bài trước, chúng ta đã xét cung, cầu một cách tách biệt. Chúng ta đã biết rằng ở mỗi một mức giá hàng hóa sẽ được bán và mua với khối lượng khác nhau. Khi giá tăng thì lượng mua hàng hóa sẽ giảm, nhưng thay vào đó lượng bán lại tăng. Ngược lại khi giá giảm, người tiêu dùng sẵn sàng mua nhiều hàng hóa hơn, còn nhà sản xuất lại bán ít hàng hóa hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã biết rằng thị trường là nơi gặp gỡ giữa người bán và người mua. Câu hỏi đặt ra là thị trường sẽ làm gì giúp người tiêu dùng và người bán hàng thỏa thuận để trao đổi hàng hóa? Ở phần này chúng ta sẽ cùng xem xét cơ chế hoạt động của thị trường thông qua việc hình thành và thay đổi các trạng thái thị trường.
Nếu bạn chưa rõ Cung và Cầu thì có thể xem lại tại đây:
Khi kết hợp biểu cung và biểu cầu ta có các trạng thái thị trường:
Giá (P) 1000đ/kg | Lượng cầu Triệu tấn | Lượng cung Triệu tấn | Tương quan cung – cầu | Điều chỉnh Giá |
---|---|---|---|---|
5 | 9 | 18 | Dư cung | Giảm giá |
4 | 10 | 16 | Dư cung | Giảm giá |
3 | 12 | 12 | Cân bằng | Không đổi |
2 | 15 | 7 | Dư cầu | Tăng giá |
1 | 20 | 0 | Dư cầu | Tăng giá |
Cân bằng thị trường là gì?
Cân bằng thị trường là một trạng thái tại đó không có sức ép làm thay đổi giá và sản lượng. Cân bằng thị trường là trạng thái mà khả năng cung ứng vừa đủ cho nhu cầu trên thị trường. Tác động qua lại giữa cung và cầu xác định giá và sản lượng hàng hóa, dịch vụ được mua và bán trên thị trường. Khi tất cả mọi người tham gia vào thị trường có thể mua hoặc bán một lượng bất kỳ mà họ mong muốn, chúng ta nói rằng thị trường trong trạng thái cân bằng. Mức giá mà người mua muốn mua và người bán muốn bán theo ý của họ được gọi là mức giá cân bằng.
Đặc điểm quan trọng của mức giá cân bằng là được hình thành bởi hành động tập thể của toàn bộ người mua và người bán trên thị trường chứ không phải do nhu cầu từng cá nhân riêng lẻ. Đây là các quyết định khách quan dẫn dắt bởi bàn tay vô hình của cơ chế thị trường.
Trạng thái dư cung là gì?
Trạng thái dư cung trường hợp giá bán cao hơn giá thị trường P1 > P0 khiến cho người tiêu dùng mua ít hơn và sẽ xuất hiện trạng thái dư thừa hàng hóa một lượng: ΔQ = QS – QD.
Sức ép của trạng thái dư thừa làm cho giá giảm xuống về mức giá cân bằng, mức giá giảm khiến người tiêu dùng mua tăng lên, cầu sẽ tăng dần và cung giảm. Như thế, giá cả sẽ giảm dần đến giá cân bằng P0 và luợng hàng hóa được bán ra trên thị trường sẽ dịch chuyển về Q0, trạng thái cân bằng lại được thiết lập.
Trên đồ thị hình 3.8, điểm giao nhau giữa đường cung và đường cầu xác định giá và sản lượng cân bằng như điểm E (12;3). Với mức giá cao hơn giá cân bằng P = 4 lượng cung là Q = 16 nhưng lượng cầu Q = 10 do vậy sẽ tồn tại một lượng hàng hoá không bán hết được gọi là dư cung, (đoạn thẳng AB trên đồ thị).
Trạng thái dư cầu là gì?
Giả sử giá cân bằng trên thị trường ban đầu là P0, nếu như vì một biến động nào đó trên thị trường khiến cho giá cả giảm xuống ở mức P2, khi giá giảm làm cho lượng cung trên thị trường giảm đi và ngược lại người tiêu dùng mua nhiều hơn từ đó dẫn đến hiện tượng cầu lớn hơn cung hay thiếu hàng hóa một lượng: ΔQ = QD – QS.
Do thiếu hàng nên áp lực của cầu sẽ làm cho giá cả tăng lên bởi vì người tiêu dùng có thể sẵn sàng trả giá cao hơn để mua hàng hóa. Khi giá cả tăng lên thì số cầu sẽ giảm dần và số cung tăng lên. Như thế, giá cả sẽ tăng dần đến giá cân bằng P0 và luợng hàng hóa được bán ra trên thị trường sẽ dịch chuyển về Q0, trạng thái cân bằng lại được thiết lập.
Với mức giá thấp hơn giá cân bằng tại P = 2 người mua muốn mua với số lượng hàng là Q = 15 nhưng người bán chỉ đáp ứng được mức sản lượng Q = 7, do mức giá thấp hơn không bù đắp được những chi phí để sản xuất và không thể cung ứng đủ nhu cầu thị trường. Các nhà kinh tế học gọi sự thiếu hụt này là dư cầu.