Giá cả hình thành và biến động do sự tương tác giữa cung và cầu trên thị trường. Với mô hình cạnh tranh tự do, cung và cầu luôn có xu hướng điều chỉnh trạng thái cân bằng xác định giá và lượng cân bằng mới. Như ở các phần trước đã nghiên cứu, chúng ta thấy rằng có rất nhiều yếu tố thường xuyên làm cho cung và cầu thay đổi. Vậy giá cả và trạng thái cân bằng mới sẽ thay đổi như thế nào? Chúng ta xét 3 trường hợp cơ bản sau:
Thay đổi trạng thái cân bằng do cung thay đổi (Cầu không đổi)
Khi cung (S) tăng và cầu không đổi, giá cân bằng (P) sẽ giảm và lượng cân bằng (Q) sẽ tăng. Lúc đó lượng cung tăng, đường cung dịch chuyển từ S0 → S1, điểm cân bằng dịch chuyển từ E0 → E1. Tại đây, giá cân bằng giảm và số lượng cân bằng tăng lên.
Khi cung giảm và cầu không đổi, giá cân bằng tăng và lượng cân bằng sẽ giảm. Sự suy giảm lượng cung làm đường cung dịch chuyển sang trái S0 → S2. Lượng cầu trên thị trường không đổi nên đường cầu vẫn giữ nguyên. Lúc này đường cung mới S2 cắt đường cầu D0 tại điểm cân bằng mới là E2. Tại đây, giá cân bằng tăng và số lượng cân bằng giảm đi (xem hình trên).
Chúng ta có thể hiểu là: Những yếu tố có lợi cho nhà sản xuất thì nó sẽ thúc đẩy họ sản xuất hàng hóa và đường cung sẽ dịch chuyển sang phải.
Thay đổi trạng thái cân bằng do cầu thay đổi (Cung không đổi)
Khi cầu tăng và cung giữ nguyên, giá cân bằng và lượng cân bằng tăng.
Chẳng hạn như: khi thu nhập của người tiêu dùng tăng lên, cầu đối với hàng hóa xa xỉ sẽ tăng lên làm đường cầu dịch chuyển qua phải. Hình 3.10 cho thấy sự dịch chuyển của đường cầu làm cho điểm cân bằng di chuyển từ điểm E0 đến điểm E1. Tại điểm cân bằng mới, giá cao hơn so với ban đầu và số lượng cân bằng cũng cao hơn.
Khi cầu giảm và cung giữ nguyên, giá cân bằng và lượng cân bằng giảm.
Ví dụ: Khi thu nhập của người tiêu dùng giảm thì người tiêu dùng cũng giảm chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ… làm cho đường cầu về mặt hàng này dịch chuyển về phía bên trái từ D0 → D2 làm cho điểm cân bằng dịch chuyển từ E0 → E2 . Tại đây, giá cân bằng giảm, lượng cân bằng giảm (xem hình trên).
Thay đổi trạng thái cân bằng do cung và cầu cùng thay đổi
Cung tăng và cầu tăng, hoặc cung tăng và cầu giảm, hoặc cung giảm và cầu tăng, hoặc cung giảm và cầu giảm. Khi cả cung và cầu thay đổi đồng thời, nếu thay đổi về lượng (giá) có thể dự đoán thì sự thay đổi về giá (lượng) là không xác định. Thay đổi lượng cân bằng hoặc giá cân bằng là không xác định khi biến có thể tăng hay giảm phụ thuộc vào biên độ dịch chuyển của đường cầu và đường cung.
Ví dụ: Khi cả cung và cầu đều tăng lên, xảy ra 3 trường hợp được miêu tả ở hình Khi cầu tăng nhanh hơn cung tăng (hình), cả giá và lượng cân bằng đều tăng lên, khi cung tăng nhanh hơn cầu tăng (hình), giá cân bằng giảm và lượng cân bằng tăng. Còn khi cả cầu và cung tăng một lượng như nhau thì giá cân bằng không đổi còn lượng cân bằng tăng.
Như vậy chúng ta thấy rằng khi cả cung và cầu đều tăng thì lượng cân bằng tăng lên nhưng giá cân bằng có thể không đổi, có thể giảm xuống hoặc tăng lên tùy thuộc vào tốc độ tăng của cung so với cầu hoặc ngược lại